66 năm Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955-10/9/2021): Nơi hội tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Thực tiễn đã chứng minh, để tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc phải có một tổ chức, đó là Mặt trận, là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, trung tâm tập hợp đoàn kết các tầng lớp Nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Nơi nào tổ
chức Mặt trận mạnh, đội ngũ cán bộ Mặt trận đẩy đủ năng lực thì khối đại đoàn kết được tăng cường và hoạt động hiệu quả.
Trong trận chiến chống đại dịch COVID-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân phát huy truyền thống tương thân, tương ái, đoàn kết của dân tộc, tạo nên sức mạnh và niềm tin để Việt Nam vững vàng vượt qua đại dịch.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại nhiều địa phương trên cả nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch. Trong trận chiến chống dịch, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Lời kêu gọi của Tổng Bí thư là lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân phát huy truyền thống tương thân, tương ái, đoàn kết của dân tộc, tạo nên sức mạnh và niềm tin để Việt Nam vững vàng vượt qua đại dịch.
Đoàn kết dân tộc là truyền thống quý báu, làm nên sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam, được hun đúc trong chiều dài lịch sử, trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Trong lịch sử, sức mạnh của nền văn minh Văn Lang – Âu Lạc với cơ sở đoàn kết đã tạo cho cộng đồng người Việt sức mạnh để chiến thắng giặc ngoại xâm và chinh phục thiên nhiên suốt quá trình dựng nước và giữ nước trong buổi bình minh lịch sử. Thời kỳ Bắc thuộc trên một ngàn năm, dù bị áp đặt ách thống trị và bóc lột tàn bạo, nhưng nhân dân ta đã đoàn kết, kiên cường đấu tranh, đã làm nên chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt, đánh bại ý chí xâm lược của nhà Nam Hán, kết thúc hoàn toàn thời kỳ bị phong kiến phương Bắc đô hộ, giành độc lập tự chủ cho dân tộc. Sử sách cho thấy, truyền thống đoàn kết của dân tộc được phát huy cao độ trong các triều đại phong kiến Việt Nam đã đem lại thắng lợi trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay, Đảng ta luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Mỗi khi đất nước đứng trước những thời cơ, thách thức mới, để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có thư kêu gọi toàn quốc như: Thư kêu gọi khởi nghĩa vào tháng 8/1945; Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946); Lời kêu gọi kháng chiến chống Mỹ cứu nước (năm 1966) để huy động sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc. Nhờ sức mạnh đoàn kết của toàn dân, dù đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ, dù phải đương đầu với những kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn mình nhiều lần, nhưng dưới dự lãnh đạo của Đảng con thuyền cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã và đang tác động sâu rộng tới đời sống nhân dân cũng như sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và nhân dân cần tập trung mọi nguồn lực, chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Tổng Bí thư kêu gọi: “Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng” là lời hiệu triệu, tiếp thêm động lực, ý thức trách nhiệm chung cho toàn Đảng, toàn dân đẩy lùi dịch bệnh.
Những ngày qua, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái “mình vì mọi người và mọi người vì mình”, “thương người như thể thương thân” đã được thắp sáng và lan tỏa trong cộng đồng.
Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 bùng phát lần 4 này, diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, số ca nhiễm tăng cao, nhưng sự đồng lòng của nhân dân chắc chắn sẽ là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường mới. Lời kêu gọi Tổng Bí thư thể hiện niềm tin tất thắng để Việt Nam vượt qua đại dịch COVID-19, “góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của Đất nước ta, Dân tộc ta”.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, khi đại dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, một lần nữa tinh thần đoàn kết của dân tộc lại được tái hiện trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Những kết quả trong công tác phòng chống dịch của Thành phố có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, trong đó phải nói đến vai trò của Chính phủ (Thủ tướng, các Phó Thủ tướng), Bộ Y tế và các bộ, ngành Trung ương đã trực tiếp vào Thành phố để chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp thường xuyên theo dõi diễn biến, nắm bắt tình hình dịch bệnh để tập trung chỉ đạo vận hành bộ máy nhằm đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo chăm lo đời sống người dân, trực tiếp thăm hỏi, động viên Nhân dân cùng chia sẻ và đồng hành cùng Thành phố vượt qua đại dịch, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ bên cạnh gói hỗ trợ của Chính phủ; tổ chức thành lập và công bố các đường dây nóng của Chính quyền, Mặt trận, đoàn thể từ Thành phố đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn để tiếp nhận và giải quyết những phản ảnh của Nhân dân khi gặp khó khăn; Thành lập Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19… để không bỏ sót đối tượng nào cần được giúp đỡ, để không ai bị bỏ lại phía sau….
Tinh thần đoàn kết đó là sự đồng thuận của Nhân dân Thành phố. Mọi tầng lớp Nhân dân đã đoàn kết, không phân biệt thành phần, giai cấp, già, trẻ, gái trai, dân tộc, tôn giáo, đương chức hay nghỉ hưu v.v… bất kể ngày đêm, đã ra quân đồng loạt trên mặt trận phòng chống dịch: lực lượng y bác sĩ, sinh viên ngành y xông pha trên tuyến đầu để truy vết, ngăn chặn sự lây lan, dành lại sự sống người dân; các chiến sĩ lực lượng vũ trang bố trí doanh trại để làm bệnh viện dã chiến, túc trực, hỗ trợ đưa lương thực, thực phẩm đến tay người bệnh, người dân ở các khu vực phong tỏa; chốt chặn, tuần tra giữ nghiêm các quy định phòng chống dịch; lực lượng cán bộ Mặt trận đoàn viên, hội viên các đoàn thể “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm công tác phòng chống dịch, nắm bắt các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, các trường hợp yếu thế để đề xuất hỗ trợ kịp thời; đồng thời cũng là lực lượng trực tiếp vận động, tiếp nhận kinh phí, hàng hóa tăng thêm nguồn lực cho công tác phòng chống dịch ở địa phương; cùng với lực lượng thanh niên tình nguyện, lực lượng tự nguyện trong cộng đồng vận chuyển, lương thực thực phẩm, hàng hóa, trang thiết bị, vật phẩm y tế v… đến các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện dã chiến, khu cách ly, phong tỏa. Đặc biệt các tổ chức tôn giáo, với phương châm sống “Tốt đời đẹp đạo”, đã tổ chức vận động các chức sắc, tu sĩ, tín đồ tình nguyện đi lên tuyến đầu để chia lửa với lực lượng y, bác sĩ để giảm tải cho y bác sĩ; bớt đi phần nào đau đớn của bệnh nhân; lực lượng nhân sĩ trí thức đã có nhiều hiến kế, đóng góp hiệu quả vào giải pháp phòng chống dịch của thành phố; các anh chị em văn nghệ sĩ Thành phố đã đem tiếng hát, lời ca đến với các bác sĩ, bệnh nhân ở các khu điều trị; vận động, quyên góp để chia sẻ gánh nặng của Thành phố; và cũng đã có nhiều trường hợp trên tuyến đầu phòng chống dịch đã trở thành F0, F1 khi thực thi nhiệm vụ, thậm chí có trường hợp đã mất mát, hy sinh.
Tinh thần đoàn kết đó là những cách làm sáng tạo trong lúc khó khăn như: vận động chủ nhà trọ giảm giá hoặc miễn phí phòng trọ cho công nhân, người nghèo, hộ cận nghèo…; mô hình “Gian hàng 0 đồng”, “Bếp ăn yêu thương”, “Siêu thị nghĩa tình”; “Siêu thị 0 đồng”, “Tổ tình nguyện đi chợ giúp dân”, “Quà đến tận nhà”, “Shipper tình nguyện”, ATM gạo, ATM thực phẩm, ATM khẩu trang và mới đây là mô hình ATM oxy đã được hình thành.
Giãn cách xã hội, nhưng tình người lại gần hơn, không chỉ ở phạm vi Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn diễn ra trên phạm vi cả nước. Đó là những lời thăm hỏi, động viên; là những chuyến xe mang lương thực, thực phẩm từ các địa phương đến với Nhân dân Thành phố với những thông điệp yêu thương “Tuần lễ vì Thành phố mang tên Bác”, “Tất cả vì miền Nam thân yêu” v.v… Các địa phương bạn luôn sẵn sàng chi viện, những đoàn quân áo trắng với hào khí “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của mùa xuân năm 1975, đã tình nguyện đi vào tâm dịch, cùng những những trang thiết bị y tế; với mong muốn tột bậc đó là chiến thắng đại dịch Covid-19.
Kết quả của tinh thần đoàn kết còn được thể hiện sinh động qua sự tham gia đóng góp kinh phí phòng chống dịch Covid-19 và mua vắc xin phòng chống dịch, ủng hộ trang thiết bị y tế, các vật phẩm y tế, lương thực, thực phẩm v.v… của các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước, của Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, Nhân dân các tỉnh thành bạn, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài ở Việt Nam v.v…
Trong điều kiện tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, để khống chế được đại dịch này, điều kiện tiên quyết là ý thức của người dân và sự chung sức, chung lòng tạo nên sức mạnh tổng lực để cuộc sống sớm trở lại bình yên.
Nguồn: Tuyên giáo Mặt trận Thành phố Hồ Chí Minh