Đồng chí Trần Anh Tuấn – Bí thư Đoàn Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, trưởng nhóm phần mềm dùng trí tuệ nhân tạo để điểm danh, đo nhiệt độ học sinh

Giảng viên Trần Anh Tuấn cho biết, trong dự án này, mỗi ki ốt được lắp ở cổng trường với các phần chính: màn hình để nhận diện gương mặt; cảm ứng đo nhiệt độ học sinh (HS); rửa tay sát khuẩn tự động.

(Link bài viết trên Thanh Niên Online: tại đây)

Khi dịch Covid-19 vẫn còn, thay vì mỗi ngày thầy cô giáo, bác bảo vệ phải đứng ở cổng trường, cầm nhiệt kế, đưa bình nước rửa tay sát khuẩn cho từng học sinh thì với dự án của một nhóm bạn trẻ ở TP.HCM, mọi thứ có thể tự động bằng trí tuệ nhân tạo (AI).

Dự án quản lý trường học thông minh được gọi tên TK Smart Vision, nằm trong top 50 dự án xuất sắc của cuộc thi trí tuệ nhân tạo TP.HCM (HAI) hồi tháng 8.2020. Mới đây, dự án được Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM cấp vốn để ươm tạo tại trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và đang tham dự “Giải thưởng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM I-Star 2020”.

Thạc sĩ Trần Anh Tuấn trình bày dự án tại Sở Khoa học – Công nghệ, tháng 3.2021 (Ảnh: Ngọc Anh)

2 giây nhận diện và đo nhiệt độ 1 học sinh

Trưởng nhóm dự án quản lý trường học thông minh này là thạc sĩ Trần Anh Tuấn (31 tuổi) giảng viên Khoa Công nghệ thông tin (CNTT), Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Anh Tuấn cho biết, trong dự án này, mỗi ki ốt được lắp ở cổng trường với các phần chính: màn hình để nhận diện gương mặt; cảm ứng đo nhiệt độ học sinh (HS); rửa tay sát khuẩn tự động.

HS đứng trước ki ốt, ki ốt sẽ nhận diện được đây là HS nào (lớp nào, thông tin cá nhân), đo xem bao nhiêu độ, nếu quá 37,5 độ màn hình sẽ thông báo HS bị sốt và có cảnh báo tới giáo viên và phụ huynh. Mỗi 2 giây sẽ nhận diện được 1 HS, do đó trong thời gian ngắn có thể kiểm soát hết số HS ra vào trường.

Đồng thời, toàn bộ thông tin nhận diện, nhiệt độ của HS được gửi về máy chủ. Từ đây xử lý dữ liệu để gửi về các ứng dụng (app) trên điện thoại thông minh của hiệu trưởng và phụ huynh các thông tin như sĩ số từng lớp, HS nào bị sốt, yêu cầu phụ huynh cho con đi kiểm tra sức khỏe…

“Các công nghệ được nhóm chúng tôi áp dụng cho dự án trên gồm trí tuệ nhân tạo (AI), xử lý hình ảnh gương mặt (Face ID), tổ chức kho dữ liệu (data warehouse), internet vạn vật (IoT) để quản lý thông tin và hiệu năng của các ki ốt”, anh Tuấn nói.

Theo trưởng dự án, dự án này còn giúp các lớp học, nhà trường quản lý sĩ số tốt hơn. “Chúng tôi phát triển thêm việc quản lý sổ đầu bài, giảng dạy trực tuyến, điểm thi học kỳ, kết quả các kỳ kiểm tra, đơn xin phép cho con nghỉ học hay về sớm của phụ huynh cho giáo viên trên hệ thống này. Nó sẽ được cập nhật liên tục, tức thời về các app của nhà trường và cha mẹ các em”, anh Tuấn trao đổi thêm.

So với việc quản lý sĩ số bằng vân tay chẳng hạn, thì ứng dụng công nghệ trên có gì khác? Trả lời chúng tôi, giảng viên CNTT đồng thời là trưởng nhóm cho hay, trong mùa dịch, việc nhiều người cùng lấy vân tay tại một thiết bị chung là không an toàn, có thể lây nhiễm bệnh. Đặc biệt, với việc nhận diện gương mặt rất nhanh, chỉ trong 2 giây, theo anh Tuấn, có thể tăng cường việc kiểm soát an ninh trường học khi có những đối tượng lạ mặt vào trong trường để hành hung trẻ em hay có ý đồ trộm cắp tài sản…

Khởi nghiệp giữa mùa dịch

Thạc sĩ Trần Anh Tuấn cho hay, ý tưởng về dự án quản lý trường học thông minh của nhóm anh xuất phát từ tầm nhìn thành phố thông minh và xu hướng chuyển đổi số các lĩnh vực. Trong dịch Covid-19, mọi người đều nhận thấy trường học rất cần công nghệ để quản lý sĩ số HS, tích hợp nhận diện gương mặt, đo nhiệt độ, nước rửa tay tự động…

Bên cạnh vai trò giảng viên ĐH, anh Tuấn còn là đồng sáng lập công ty khởi nghiệp về công nghệ tại Q.7 (TP.HCM), “mái nhà chung” của các giảng viên, kỹ sư và các sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực CNTT. Tháng 8.2020, giữa mùa dịch Covid-19, công ty bắt đầu hoạt động, bởi theo anh Tuấn: “Dịch đến, mọi thứ đều đóng băng, nhưng CNTT thì luôn hot”.

Mang dự án quản lý trường học thông minh đi dự các cuộc thi sáng tạo, khởi nghiệp, mục đích của thạc sĩ Trần Anh Tuấn không phải đem lại những khoản doanh thu có lợi cho những người làm dự án. Là một người thầy, anh mong muốn điều lớn hơn, đó là có những nhà đầu tư hỗ trợ để có thể triển khai dự án miễn phí ở ngày càng nhiều trường học tại TP.HCM, phát huy hiệu quả trong dịch Covid-19.

Trong quý đầu tiên của năm 2021, dự án trên đã nhận được lời mời hợp tác, hỗ trợ từ 1 trung tâm ngoại ngữ và 12 trường học tại TP.HCM. Hiện những người trẻ đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống để triển khai tại Trường THCS Cát Lái (Q.2), Trường THCS Trần Hữu Trang (Q.5)…

(Theo Thúy Hằng, Thanh Niên Online)